Tìm kiếmTìm kiếm
Tài khoản

    Giỏ hàng của bạn trống!

Ngành sự kiện cưới hỏi là một ngành công nghiệp lớn, được tạo ra từ nhiều doanh nghiệp nhỏ, là một phần của các ngành khác nhau như cung cấp thực phẩm, tư vấn đám cưới, váy, cung cấp dịch vụ làm đẹp (tóc, trang điểm), nhiếp ảnh gia, tuần trăng mật. Công việc của những người làm dịch vụ được thuê như nhiếp ảnh gia, trang điểm, MC đám cưới có thể làm các sự kiện khác mà không nhất thiết phải chuyên một dịch vụ đám cưới bởi một số cá nhân có thể làm việc bán thời gian cho các dịch vụ không liên quan đến đám cưới để tăng thu nhập.

Hầu hết mọi ngành công nghiệp đã (hoặc sẽ) bị tác động bởi công nghệ mới, và ngành công nghiệp cưới cũng không ngoại lệ. Mỗi năm ở Hoa Kỳ, khoảng 2,5 triệu người kết hôn. Ngành công nghiệp này được ước tính thu về 60 tỷ $ và 300 tỷ $ trên toàn cầu. Tại Mỹ, ngành công nghiệp cưới bao gồm gần 600 nghìn doanh nghiệp sử dụng khoảng 1 triệu nhân lực. Ngành sự kiện cưới hỏi cũng được đánh giá là một ngành công nghiệp đang phát triển chậm (khoảng 2% mỗi năm) khi ngày càng nhiều người trẻ quyết định bỏ qua hôn nhân.(Matt Douglas)

Trang trí tiệc cưới tại The Reverie Saigon
Trang trí tiệc cưới tại The Reverie Saigon

Theo tripsavvy.com đám cưới, tuần trăng mật và du lịch lãng mạn là dịch vụ của những doanh nghiệp lớn, chúng ta có thể thấy ở số liệu thống kê sau:

Trong thời gian đính hôn, các cặp đôi mua: 4 tỷ $ nội thất, 3 tỷ $ đồ gia dụng, 400 triệu $ đồ ăn. Mỗi năm trung bình 2,4 triệu đám cưới được thực hiện ở Mỹ, 35.329$ là số tiền chi cho một đám cưới truyền thống của Mỹ. Mỗi cuối tuần trung bình có 44.230 đám cưới diễn ra. Số tiền trung bình chi cho các ban nhạc đám cưới cho cặp đôi là 1.575$. Số tiền trung bình chi cho một chiếc váy cô dâu là 1.564$

Theo khảo sát của Marry.vn vào năm 2015 tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, mỗi năm 5 thành phố này có ít nhất 300.000 đám cưới. Chi phí cho các đám cưới trong khảo sát này dao động từ 150 – 300 triệu đồng. Tạm tính trung bình, khoản chi cho mỗi đám cưới là 200 triệu đồng, tổng chi cho đám cưới sẽ khoảng 60.000 tỉ đồng.

Ngành công nghiệp cưới là một ví dụ tuyệt vời của một ngành công nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi, được thúc đẩy bởi sự đổi mới kỹ thuật số. Một số thị trường bị mắc kẹt trong quá khứ với những cách làm cũ, trong khi một phần đáng kể của thị trường đã nắm lấy các nền tảng và công nghệ mới. Trong khi đó, có hàng tá công ty công nghệ và truyền thông đang nỗ lực hết mình để đẩy công nghệ lên một tầm cao mới, khi họ tưởng tượng ra một tương lai nơi hầu hết khách hàng hoàn toàn nắm lấy kỹ thuật số.

Kinh doanh tiệc cưới đang là một mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà đầu tư vì những cơ hội và tiềm năng mà nó mang lại. Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ là thách thức không nhỏ khi nhu cầu của khách hàng được nâng cao và danh sách đối thủ cạnh tranh không ngừng gia tăng. Thu nhập tăng cao, các cặp đôi hiện đại ngày càng mạnh dạn hơn trong việc đầu tư cho ngày hạnh phúc, trong khi, không gian tổ chức tại nhà dần trở nên thu hẹp là lý do mà thị trường kinh doanh tiệc cưới những năm qua được đánh giá là mang lại tiềm năng lớn. Ngày càng có nhiều tay chơi đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, khiến cho thị trường trở nên vô cùng sôi động. Thế nhưng, cuộc đua lớn không dành cho tất cả mọi người, một trong những thách thức lớn nhất của ngành kinh doanh tiệc cưới nằm ở chi phí đầu tư đáng kể và tầm nhìn dài hạn.

Trang trí đám cưới trọn gói tại tiền giang

Đối với lĩnh vực này, mặt bằng – địa điểm được coi là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định sự thành công của thương hiệu. Không những thế, việc tổ chức, vận hành nhằm tối ưu chi phí nhưng vẫn đảm bảo ổn định và nâng cao chất lượng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng cũng là một bài toán không dễ dàng. Đa phần, các doanh nghiệp khi bước vào lĩnh vực này đều đi từ một địa điểm, sau đó nhân chuỗi, nhưng chính việc quản lý chuỗi không hiệu quả, không đồng đều về chất lượng có thể dẫn đến sự thất bại của cả chuỗi.

Thị trường tiệc cưới tại Việt Nam đang ngày một phát triển trong những năm gần đây. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đòi hỏi các đơn vị trong ngành cần có những chiến lược hiệu quả để thu hút khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Và để làm được điều đó, các đơn vị cần hiểu rõ về thị trường tiệc cưới tại Việt Nam.

Quy mô thị trường tiệc cưới tại Việt Nam.

Năm 2014, Hiệp hội các nhà tư vấn tổ chức tiệc cưới (ABC) tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát về dịch vụ cưới tại 4 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong đó, phần nhà hàng, tiệc cưới chiếm 50% tổng chi phí; chi phí cho studio chiếm 30% (áo cưới, album, trang điểm); 15% cho nữ trang, quà tặng và 5% cho du lịch.

Cũng theo kết quả khảo sát này, chỉ riêng 4 thành phố lớn nói trên thì mỗi năm có 2,6 triệu đám cưới. Giả thiết 20% trong số những cặp này tổ chức cưới bài bản, sẽ có 520.000 đám cưới/năm. Mỗi cặp làm đám cưới chi trung bình 80 triệu đồng, thì tổng mức chi đã lên đến 2 tỷ USD, phần còn lại (80%) sẽ góp thêm 3 tỷ USD. Như vậy, tổng doanh thu cho thị trường này ước hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên, những năm gần đây, cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt do số lượng trung tâm tiệc cưới mới xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là tại TP.HCM.

Địa điểm tổ chức đám cưới

Khi có nhu cầu tổ chức đám cưới, người dân tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng thường tổ chức tại 3 nơi sau: 

Trang trí tiệc cưới trọn gói
Trang trí tiệc cưới trọn gói

(1) Tổ chức tại nhà

Đối tượng tổ chức tiệc cưới tại nhà thường là những gia đình có thu nhập thấp hoặc có thể mượn được một địa điểm rộng rãi ở gần nhà như trường học, nhà văn hóa khu vực,để tổ chức. Họ thường sẽ là các gia đình ở khu vực ngoại thành của 3 thành phố này. Trong trường hợp này, họ sẽ thuê người giúp dựng rạp, cho thuê bàn ghế,thuê người trang trí nhà cửa và nơi tổ chức lễ cưới, và thuê một nhóm người khác nấu cỗ cưới. Gần đây, tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, số lượng người tổ chức tiệc cưới tại nhà ngày càng ít do số lượng khách mời của một đám cưới thông thường phải từ 100 khách trở lên, nên tổ chức tại nhà không đủ. Tại nhà, họ chỉ thuê trang trí để đón dâu và làm lễ gia tiên.Sau khi đón dâu và làm lễ gia tiên, người ta thường di chuyển ra nhà hàng hoặc khách sạn để ăn tiệc.

(2) Tổ chức tại nhà hàng trung bình, khách sạn 3 sao

Đối tượng khách hàng tổ chức tại nhà hàng trung bình, khách sạn 3 sao thường là các gia đình có thu nhập trung bình thấp và những gia đình không thể mượn được địa điểm. Tại TP.HCM, người ta có thói quen tổ chức tại nhà hàng, chứ ít khi ở các khách sạn 3 sao vì ở Sài Gòn, khách sạn 3 sao thường là của tư nhân, có diện tích nhỏ, chủ yếu phục vụ khách nghỉ qua đêm. Trong khi đó, ở Hà Nội có khá nhiều khách sạn 3 sao cung cấp dịch vụ tiệc cưới vì đây thường là các khách sạn 3 sao của nhà nước với mặt bằng rộng.

(3) Tổ chức tại các trung tâm tiệc cưới cao cấp và khách sạn 4-5 sao

Đối tượng khách hàng là các gia đình có thu nhập khá trở lên. Tại TP.HCM, người dân thường thích tổ chức tại trung tâm tiệc cưới hơn khách sạn, vì trung tâm tiệc cưới dịch vụ chuyên nghiệp hơn về mảng tổ chức đám cưới trong khi các khách sạn thì thường thiên về tổ chức hội nghị, sự kiện. Thường chỉ có một số người cực giàu, ngôi sao ca nhạc, ngôi sao điện ảnh, người nước ngoài mới lựa chọn tổ chức tại các khách sạn 5 sao để thể hiện đẳng cấp và sự khác biệt.

Mùa tổ chức đám cưới và thời điểm tổ chức đám cưới

Tại Hà Nội, người dân thường tổ chức đám cưới từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau vì thời tiết tại thời điểm đó mát mẻ, dễ chịu, rất hiếm khi tổ chức vào các tháng khác. Các đám cưới tại Hà Nội hay tổ chức vào buổi trưa các ngày trong tuần. Mọi người thường tranh thủ thời gian nghỉ trưa để đi dự các đám cưới, vì thế thời gian tổ chức lễ cưới thường rất nhanh, chỉ từ 2-3 tiếng. Các đám cưới tổ chức vào buổi tối, hoặc các ngày cuối tuần cũng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian như vậy. Thời gian gần đây, mặc dù các nghi thức lễ cưới tại Hà Nội như MC khai tiệc, cô dâu chú rể cắt bánh, rót rượu, phát biểu cảm nghĩ,… cũng tương tự như TP.HCM nhưng thời gian tổ chức tiệc cưới tại Hà Nội vẫn thường kết thúc nhanh hơn ở TP.HCM.

Tại TP.HCM, đám cưới được tổ chức quanh năm vì thời tiết tại TP.HCM hầu như không thay đổi, tuy nhiên, mùa cao điểm là từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Tháng 7 âm lịch và tháng giêng âm lịch, người ta không tổ chức đám cưới vì theo quan niệm truyền thống, tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn rất xui xẻo, không thích hợp để tổ chức đám cưới, còn tháng giêng âm lịch là tháng đi du lịch, ăn chơi nên khách mời thường không ở nhà, khó có thể tham dự đám cưới. Đám cưới tại TP.HCM thường tổ chức vào buổi trưa và buổi tối các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật, trong đó buổi tối là nhiều nhất. Thời gian tiệc buổi tối thường dài hơn (từ 18:00-23:00), trong khi tiệc buổi trưa ngắn hơn (từ 11:00~14:00).

Tại Đà Nẵng, người ta tổ chức đám cưới quanh năm, chỉ trừ tháng 1 âm lịch và tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, mùa cưới cao điểm cũng gần tương tự như Hà Nội và TP.HCM, đó là từ tháng 10 đến tháng 1. Đám cưới tổ chức tại Đà Nẵng có thể chia ra làm 2 nhóm. Nhóm 1 là tiệc cưới của người bản xứ, thường tổ chức tại các nhà hàng tiệc cưới. Các nhà hàng tiệc cưới ở Đà Nẵng thường tập trung ở dọc hai bên đường 2/9, quận Hải Châu. Nhóm 2 là tiệc cưới tổ chức tại các resort ở ven biển. Khách tổ chức tiệc cưới tại resort là một số rất ít những người cực giàu tại Đà Nẵng, còn đa phần là người từ Hà Nội, TP.HCM hoặc người nước ngoài. Các tiệc cưới thuộc nhóm 1 có nhiều nét tương đồng với tiệc cưới ở Hà Nội, đó là thủ tục rất nhanh gọn, nhiều đám cưới tổ chức vào buổi trưa các ngày trong tuần, cụ thể là tiệc trưa thường từ 11:00~14:00, còn tiệc tối từ 18:00~21:00. Các tiệc cưới thuộc nhóm 2 thì lại thường diễn ra vào buổi tối ngày cuối tuần với thời lượng kéo dài hơn.

Để đảm bảo hiệu suất hoạt động, các trung tâm tiệc cưới thường cho thuê địa điểm để tổ chức hội nghị, hội thảo, tiệc sinh nhật, các sự kiện khác vào các thời điểm khác không phải mùa cưới.

Xu hướng của ngành sự kiện cưới hỏi hiện nay

Thị trường cưới hỏi có rất nhiều cách thức để quảng bá thương hiệu, đôi khi là một đám cưới lung linh được chia sẻ trên mạng xã hội của những người đi dự tiệc cũng là cách để mọi người biết đến thương hiệu của bạn. Việc nắm bắt xu thế để sử dụng các công nghệ hiện đại quảng bá thương hiệu là điều rất cần thiết đối với các công ty sự kiện tiệc cưới hiện nay.

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp cưới hỏi, phải kể đến các công ty tổ chức tiệc cưới 7799 Wedding Storyteller, Hajimi, Rose, Hoàng Gia và tại TPHCM có rất nhiều công tư như, Công Nghệ Cưới, Lá Trường Xuân… Mỗi công ty đều có phong cách thiết kế khác biệt và phong cách riêng, tạo nên một thị trường vô cùng đa dạng và phong phú.

Có rất nhiều các cá nhân, công ty được thành lập như vậy tạo nên sự cạnh tranh rất lớn. Nếu dịch vụ không tốt và không đi đầu xu hướng sẽ không có chỗ đứng trên thị trường. Chính vì vậy vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý dịch vụ này phải hết sức chú trọng đến các khâu từ tư vấn cho đến khâu thực hiện. Bởi hiện nay nhu cầu của người dân là hết sức đa dạng. Đám cưới không chỉ đơn thuần là bữa tiệc chứng minh cho đôi uyên ương mà còn là nơi thể hiện cá tính, phong cách và vị thế của cô dâu, chú rể. Nếu như trước đây tiệc cưới không chú trọng hình thức, màu sắc phông rạp được trang trí đơn giản, không cầu kì thì bây giờ nhu cầu của khách hàng đã khác hẳn so với trước kia. Màu sắc, chất liệu trang trí cũng đa dạng và đắt tiền hơn rất nhiều. Những gia đình có thể đầu tư vài trăm đến vài tỉ đồng cho mình khâu trang trí tiệc cao hơn so với số tiền chi cho ăn uống của buổi tiệc. Bên cạnh đó là dịch vụ tư vấn khách hàng, đương nhiên khách hàng cần đến dịch vụ mới tìm đến các công ty hỗ trợ dịch vụ họ cần. Tuy nhiên nếu có sự tư vấn phù hợp và chuyên nghiệp thì khách hàng sẽ vui vẻ với dịch vụ hơn.

Nhu cầu khách hàng tăng cao và danh sách các đối thủ không ngừng gia tăng đang là thách thức lớn đối với mỗi công ty tổ chức tiệc cưới, đòi hỏi nỗ lực rất nhiều trong cung cấp dịch vụ chất lượng và đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Thị trường ngành công nghiệp cưới hỏi ngày càng đi sâu hơn về chất, xu hướng ngành ngày càng sôi động thì việc gây dựng nền tảng và chiến lược phát triển dài hạn là những thách thức lớn đối với các công ty trong ngành này.